YÊN TỬ - NGÔI CHÙA ĐỒNG LỚN NHẤT ĐÔNG NAM Á

15:49 | 03/01/2019
Chùa Đồng (Quảng Ninh)- nơi linh thiêng trên đỉnh núi Yên Tử

Để được công nhận là “Ngôi chùa trên đỉnh núi bằng đồng lớn nhất châu Á”, những người thợ dựng chùa Đồng-Yên Tử (nằm trên địa bàn xã Thượng Yên Công, Uông Bí, Quảng Ninh) đã ròng rã trải qua những công đoạn vất vả chưa từng có trong lịch sử xây dựng.

Ngôi chùa trên núi thiêng Yên Tử

Theo lời sư trụ trì chùa Thích Thanh Quyết, tên chữ của chùa là Thiên Trúc tự (chùa Thiên Trúc). Sở dĩ sau này có tên chùa Đồng vì chùa được làm toàn bộ bằng chất liệu đồng. Chùa tọa lạc trên điểm cao nhất của núi Yên Tử, ở độ cao 1.068m so với mực nước biển. Phía sau chùa là vực sâu với vách núi đá dựng đứng, thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang.

Sư trụ trì cho hay, chùa Đồng-Yên Tử từng là nơi tu hành của vua Trần Nhân Tông, con trưởng của vua Trần Thánh Tông (1258-1308). Chùa xưa vốn được khởi dựng vào thời hậu Lê, do một bà phi của chúa Trịnh phát tâm công đức, làm bằng khung sắt, mái đồng, quy mô nhỏ như một khám thờ; ngoài ra tượng Phật, chuông, khánh bên trong đều được làm bằng đồng. Vào triều vua Lê Cảnh Hưng, bão lớn làm đổ chùa, chỉ còn lại dấu tích các hố chôn cột trên mỏm đá. Sau đó, một vị thủ nhang chùa Long Hoa (Uông Bí) đã tái tạo lại chùa Đồng nhưng lại bằng bê tông và đặt trên mỏm đá vuông ở vị trí chùa cũ. Nhiều năm sau, các Phật tử công đức dựng lại ngôi chùa mới bằng đồng quy mô nhỏ, đặt bên cạnh ngôi chùa bằng bê tông. Phải đến năm 2007, mọi người mới dựng ngôi chùa mới “hoành tráng” như hiện nay thay thế ngôi chùa đồng cũ.

Địa thế chùa được dựng mang hình dáng một đóa sen khổng lồ, trong đó mỗi phiến đá là một cánh sen nở, chùa Đồng tọa lạc giữa đài sen. Địa thế nghiêng sang hai bên, phía đông triền đá dốc nghiêng, phía tây dốc đứng thành vực thẳm, lối đi chỉ vừa một bàn chân chênh vênh. Chùa quay về hướng Tây Nam, có bình đồ kiến trúc hình chữ “nhất”, một gian hai chái, cũng mang dáng như một bông sen nở. Chùa được chế tác hoàn toàn bằng đồng, diện tích gần 20m2, chiều cao từ nền đến nóc là 3,35m.

Các họa tiết hoa văn trang trí mang phong cách thời Trần. Toàn bộ công trình gồm chùa, tượng Phật, chuông nặng hơn 70 tấn, được đúc bằng đồng nguyên chất nhập từ Australia, với khoảng hơn 4.000 cấu kiện, trong đó cấu kiện nặng nhất có trọng lượng 1,4 tấn, được lắp đặt trực tiếp trên đỉnh núi. Do vị trí cheo leo, đỉnh núi quanh năm mây mờ che phủ nên chùa được thiết kế đặc biệt với những phương pháp tối ưu nhất để chống chịu với thời tiết khắc nghiệt. Các hạng mục công trình khác như bậc đá lên xuống, lan can, sân hành lễ, lầu hóa vàng, nhà ghi công đức cũng đang được tôn tạo, mở rộng.

Theo lời sư trụ trì thì chùa mang dáng dấp kiến trúc tòa thượng điện chùa Dâu (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), có hình khối vuông bốn mái, mái có hình ngói mũi hài, bờ nóc bờ dải không trang trí, hai đầu bờ nóc cùng bốn đầu đao là hình đầu rồng mang phong cách thời Trần. Phần mái vươn ra bốn phía tạo thành hiên. Ba mặt của chùa là các ván đồng ghép khít lại với nhau tạo thành bức vách. Phần dưới của bức vách có trang trí dải hoa văn hình lá lật. Mặt trước hiên chùa có hành lang, lan can là các chấn song hình thân trúc.
Hệ thống tượng Phật trong chùa gồm 1 pho tượng Phật Thích Ca và 3 pho tượng Tam Tổ Trúc Lâm. Tượng có kích thước cao trung bình từ 0,45-0,87m tọa trên đài sen, trong đó 3 pho tượng Tổ được tạo tác lớn hơn. Tượng Thích Ca trong trang phục áo cà sa, tọa thiền với tư thế kiết già (thế liên hoa tọa). Tượng Đệ nhất Tổ (Trần Nhân Tông) mặc áo cà sa, tay úp lên hai đùi, tư thế ngồi “kiết già kiểu cát tường” hay còn gọi là “cát tường tọa” mắt nhìn xuống soi rọi nội tâm. Tượng Đệ nhị Tổ (Pháp Loa) và Đệ tam Tổ (Huyền Quang) mặc áo cà sa, tư thế ngồi kiết già không lộ bàn chân, tay kết “định ấn”. Toàn bộ 3 pho tượng Tổ ngự trên đài sen đặt trên bệ, trang trí hoa văn hình sen, cúc, thị, lá lật, hoa văn sóng nước.

Hàng năm, lễ hội ở chùa Đồng và Yên Tử nói chung diễn ra vào ngày mùng 10 tháng Giêng (Âm lịch) và 3 ngày đầu năm. Ngoài ra, vào những ngày sóc, vọng hay lễ Vu Lan, Phật đản, nhiều Phật tử cả nước cũng về đây hành hương lên chốn Trúc Lâm Yên Tử linh thiêng để tỏ lòng thành kính với Đức Phật từ bi.
Toàn cảnh chùa Đồng- Yên Tử

Tượng trong chùa Đồng- Yên Tử

Kỳ công xây dựng

Phần làm hạ tầng cho ngôi chùa bằng đồng có thể tọa lạc một cách vững chãi trên đỉnh núi cao nhất dãy Yên Tử, công việc đã không hề đơn giản. Từ khoảnh đất chỉ rộng có 2m2, những người công nhân xây dựng đã tạo được một mặt bằng rộng 19m2 để làm móng đỡ chùa. Nền đá cứng bị phong hóa lâu năm khiến cho việc đập, khoan vào lòng núi trở thành một thử thách. Máy khoan vượt núi khó phát huy tác dụng nên những người thợ thường đập đá bằng tay. Gạch đá, cát sỏi, xi măng để xây dựng các hạng mục như nhà ghi công đức, sân hành lễ, am hóa sớ, móng và sân chùa… hầu như đều được vận chuyển theo đường bộ. Lực lượng lao động địa phương thạo đường núi phải gùi vật liệu từ chân núi lên tận đỉnh núi.

Những ngày thi công phần hạ tầng chùa, những công nhân phải ở trong những lán, trại tự tạo trên đỉnh núi. Nhiều người còn nhớ một kỷ niệm là trận mưa đá, công nhân nằm trong lán bị rơi trúng cả vào đầu, chiếc lán che nắng che mưa bị bẹp dúm. Chưa hết, lại “dính nạn” sét đánh khiến mấy chục công nhân giật nảy người, may mà mọi người chỉ bị ù tai mà không có ai bị thương tích gì. Mọi người nói vui với nhau “không có Phật tổ phù hộ chắc không may mắn được như vậy”.

Đến phần đúc đồng, để có một công trình đặc biệt như chùa Đồng, hơn 100 thợ đúc đồng lành nghề ở làng đúc đồng Ý Yên (tỉnh Nam Định) đã được tuyển chọn và làm việc ròng rã hơn một năm trời. Họ phải đúc từng chi tiết rời ngay tại chân núi Yên Tử. Sau đó, với quãng đường dốc đá xa 3-4km, người ta dùng cáp treo để vận chuyển từng chi tiết và cấu kiện trong tổng số gần 4.000 chi tiết của ngôi chùa lên đỉnh núi. Hệ thống cáp treo ngày ấy cũng không đủ tải các chi tiết lớn, do vậy có khi những người thợ phải tự chế một hệ thống tời bằng ròng rọc dẫn lên đỉnh núi.

Giám đốc Ban quản lý di tích Yên Tử ông Nguyễn Trung Hải nhớ lại: “Chưa khi nào việc đúc một công trình lại tốn kém về thời gian và sức lực như việc thực hiện đúc chùa Đồng. Ngôi chùa không chỉ hoàn thiện từ sự công phu, cầu kỳ, tinh tế mà càng có giá trị độc đáo hơn vì mồ hôi của những người thợ lành nghề”. Còn nói như lời của Nhà nghiên cứu Phật giáo Trần Ngọc Hằng (Giáo hội Phật giáo Việt Nam): “Chùa Đồng giá trị không chỉ ở chất liệu đồng. Đồng ở đây còn phải được hiểu là chữ “đồng” trong quan niệm của người Việt-đồng lòng, đồng nhất, đồng chí, đồng tâm hiệp lực”.

Cũ hơn Mới hơn

Bình luận