Du xuân mùa lễ hội

10:02 | 25/12/2018

Du xuân mùa lễ hội cùng gia đình

Hội xuân là một nét đẹp văn hóa, và cũng là thú vui của nhiều thế hệ cha ông chúng ta. Cho đến nay vẻ đẹp đặc sắc ấy vẫn còn được giữ lại, và ta hãy cùng lên lịch để khám phá với gia đình dịp Tết này.

 
Mỗi hội xuân lại mang một ý nghĩa đặc trưng khác nhau, như có nơi thì là lễ hội để tưởng nhớ cội nguồn, có nơi lại để cầu chúc may mắn, hay đơn giản hơn là chỗ để trai gái gặp gỡ trao duyên. Dịp Tết Nguyên đán này bạn có thể cùng rủ gia đình tham gia mùa lễ hội, để tận hưởng không gian văn hóa đặc sắc này.

LỄ HỘI LỒNG TỒNG, TUYÊN QUANG

Lễ hội Lồng Tồng, Tuyên QuangSlideshow
Đây là một lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, tỉnh Tuyên Quang. Hằng năm, mùa lễ hội này lại được tổ chức, với ý nghĩa tốt đẹp là để cầu chúc cho một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà ấm no và hạnh phúc. 

❖ Thời điểm: Thường diễn ra vào khoảng mùng 8 tháng Giêng hằng năm.

HỘI LIM, BẮC NINH

Hội Lim, Bắc NinhSlideshow
Đây là một dịp lễ hội lớn đầu xuân ở vùng Kinh Bắc, được tổ chức trên địa bàn huyện Tiên Du, Bắc Ninh. Khoảng 8 giờ sáng hội Lim sẽ được mở màn bằng lễ rước. Đoàn rước lễ có đông đảo người dân tham gia, họ mặc những bộ lễ phục ngày xưa với đủ màu sắc sặc sỡ và cầu kỳ. Tạo nên một khung cảnh đẹp mắt kéo dài đến hàng cây số. Ngoài ra, bạn du xuân cùng gia đình vào dịp này còn có cơ hội trải nghiệm nhiều nghi lễ và trò chơi dân gian đặc sắc, như là đấu võ, đấu vật, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm... 

❖ Thời điểm: Thường được tổ chức từ ngày 12 – 14 tháng Giêng hàng năm. 

LỄ HỘI CHÙA HƯƠNG, HÀ NỘI

Lễ hội chùa Hương, Hà NộiSlideshow
Hội chùa Hương được tổ chức trên địa bàn xã Hương Sơn, nằm trong địa phận huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Đến với lễ hội chùa Hương, du khách không chỉ được tham gia vào hành trình về cõi Phật – nơi Bồ Tát Quan Thế Âm ứng hiện tu hành để dân hương nguyện cầu. Mà chúng ta còn được đắm mình trong không gian của non nước mênh mông, với hàng giờ ngồi thuyền vãn cảnh. 

❖ Thời điểm: Khai hội vào ngày 6 tháng Giêng, thường kéo dài đến hạ tuần tháng 3 âm lịch.

HỘI RƯỚC PHÁO LÀNG ĐỒNG KỴ, BẮC NINH

Hội rước pháo làng Đồng Kỵ, Bắc NinhSlideshow
Lễ hội này là dịp để người dân làng Đồng Kỵ, thuộc xã Đồng Quang, Từ Sơn, Bắc Ninh tưởng nhớ, và tái hiện lại âm vang ngày Thánh Thiên Cương. Đây chính là vị tướng mà sau này dân làng tôn thờ làm thành hoàng làng ra lệnh xuất quân đánh giặc. Khi cùng gia đình đến đây vào dịp này, bạn còn được trải nghiệm khung cảnh cảnh 2 quả pháo khổng lồ, mỗi quả dài khoảng 6 m được thanh niên trai tráng rước quanh làng, mở đầu cho chuỗi các lễ hội đầu năm. 

❖ Thời điểm: Thường được tổ chức vào khoảng mùng 4 – mùng 6 tháng Giêng.

KHAI ẤN ĐỀN TRẦN, NAM ĐỊNH

Khai ấn Đền Trần, Nam ĐịnhSlideshow
Lễ hội ở Đền Trần được mở đầu bằng lễ khai ấn thường bắt đầu từ giờ Tý (vào giữa đêm). Ấn sẽ được phát tại 3 nhà là nhà Giải Vũ, nhà trưng bày đền Trùng Hoa và một điểm trong khu vực vườn cây đền Trần. Vào gần đây, càng ngày càng có nhiều người đến hành lễ vào dịp này để xin, hoặc mua được những tờ ấn, với mong muốn được thăng tiến trong nghề nghiệp. 

❖ Thời điểm: Thường diễn ra 3 ngày, từ 13 đến 15 tháng Giêng âm lịch hàng năm.

LỄ HỘI YÊN TỬ, QUẢNG NINH

Lễ hội Yên Tử, Quảng NinhSlideshow
Yên Tử là một trong những trung tâm Phật giáo nổi tiếng tại Việt Nam, mỗi năm khi đến mùa lễ hội nơi đây lại thu hút được hàng trăm nghìn lượt khách hành hương ghé thăm. Hằng năm, khi tới dịp lễ du khách đã đổ về Yên Tử từ sáng sớm, hăm hở leo lên núi để được chạm đến ngôi chùa làm bằng đồng linh thiêng nằm trên đỉnh núi này. Trong chuyến du xuân cùng gia đình đến đây, bạn nên đưa mọi người xuất phát từ sớm để tránh tình trạng chen lấn nhiều người. 

❖ Thời điểm: Được tổ chức hàng năm bắt đầu từ ngày 10 tháng giêng và kéo dài hết tháng 3 âm lịch.

HỘI CẦU NGƯ, HUẾ

Hội Cầu ngư, HuếSlideshow
Hằng năm lễ hội Cầu ngư lại được cư dân Thái Dương Hạ tổ chức long trọng tại Thuận An, Huế. Khi du lịch Tết cùng gia đình đến đây, bạn sẽ được thưởng thức trò diễn bủa lưới của hội cầu ngư được tổ chức trước đình làng. Sau đó sẽ đến cuộc đua thuyền trên phá của các xã lân cận được tổ chức. Kết thúc lễ là bữa cơm thân mật giữa quan khách và dân làng địa phương. Lễ hội cầu ngư được tổ chức để bày tỏ lòng biết ơn vị cai canh làng là Trương Thiều – người được gọi một cách kính cẩn là Trương Quý Công. 

❖ Thời điểm: Được tổ chức hàng năm vào ngày 12 tháng Giêng.

LỄ HỘI NÚI BÀ ĐEN, TÂY NINH

Lễ hội núi Bà Đen, Tây Ninh Slideshow
Hội xuân ở núi Bà Đen là lễ hội truyền thống nổi tiếng của Tây Ninh và khắp các tỉnh Đông Nam Bộ. Khi đến đây du xuân cùng gia đình, bạn có thể lên chùa Bà trên núi bằng cách đi bộ hoặc sử dụng hệ thống máng trượt, cáp treo. Ngoài là địa điểm hành hương lễ Phật đầu năm, thì núi Bà Đen với độ cao 968 m còn là một thử thách thú vị với nhiều người có đam mê chinh phục. 

❖ Thời điểm: Lễ hội khai mạc đúng mùng 4 Tết Nguyên Đán và kéo dài đến hết tháng Giêng.

Cũ hơn Mới hơn

Bình luận