Danh thắng Chùa Hương - Nam thiên đệ nhất động

16:02 | 17/01/2019

DANH THẮNG CHÙA HƯƠNG

Động Hương Tích – Nam thiên đệ nhất động
 
Ngày lễ hội truyền thống 

Chúng ta đang sống trong môi trường ngày càng quen với sự chết chóc thương tật của đồng loại, càng hối hả trong hưởng thụ vật chất, càng bị lôi dẫn bởi những đòi hỏi bản năng. Mỗi người tự tạo cho mình một ốc đảo, tự trang bị những phương tiện bảo vệ, và vô tình hay cố ý làm hại những sinh linh ở ngoài chốn nương thân ấy vì lợi ích của riêng mình. Và từng ngày trôi qua, trái đất nóng dần lên vì khí thải độc hại, vì hiệu ứng nhà kính và vì hận thù tàn bạo lòng người. Con người cứ thế từng bước tiến dần đến chỗ tự hũy diệt mà không hề hay biết. 

Tuy nhiên, ở một khoảng trời xanh đâu đó, vẫn còn một dòng suối mát, một vòng tay êm, một lời ru dịu ngọt: đó là thông điệp về tình thương, vang lên từ hơn 2.500 năm trước, do một chiến sĩ dũng cảm đã chiến thắng trong cuộc trường chinh chống lại kẻ thù phiền não ngay trong bản thân mình. Nhận được tín hiệu tình thương ấy, chúng ta giật mình nhìn lại chính ta, nhìn lại người thân, nhìn ra chung quanh… ta chợt hiểu ra rằng, từ lâu nay ta đã là kẻ vô ơn bội bạc. Bởi vì, chỉ biết hưởng thụ những tiện nghi vật chất, những thú vui tạm bợ, ta đã quên đàng sau những thành quả ấy là sức lao động của biết bao người. Ta cũng chợt hiểu rằng, mỗi người đều có liên hệ chặt chẽ với cộng đồng nhân loại, nên khi ta làm tổn hại người vật chung quanh ta, làm ô nhiễm môi trường sống, tức là ta đã tự hại chính bản thân mình! 

Hôm nay, đến Hương Sơn chúng ta chỉ để được lắng nghe lại tiếng niệm Phật hồn nhiên không bài bản trên dòng Yến, để học cách đi chậm lại, để lắng hồn theo những kẽ rêu, bậc đá, tiếng mõ, câu kinh và tìm cho mình vài thoáng tâm linh trước khi trở về cõi tục. “Nam Mô A Di Đà” 
 

Lễ hội Chùa Hương 

Thời gian : Mùng 6 tháng giêng đến hết tháng 3 âm lịch. 
Địa điểm : Xã Hương Sơn, huyện Mỹ Ðức, tỉnh Hà Tây. 
Đối tượng suy tôn: Phật Bà Quan Âm 
Đặc điểm : Múa rồng, bơi trải. 

Lễ hội chùa Hương 1 ngày kéo dài từ mùng 6 tháng giêng đến hết tháng 3 âm lịch. Du khách có thể đi bằng đường bộ theo hành trình Hà Nội – Hà Ðông – Vân Ðình – Hương Sơn hoặc từ thị xã Phủ Lý ngược dòng sông Ðáy lên Bến Ðục – Yến Vĩ – Hương Sơn. Theo tâm thức của người Việt Nam Hương sơn được coi là cõi Phật. Chùa Hương là nơi thờ Phật Bà Quan Âm. Ngày 6 tháng giêng là ngày khai hội, có tổ chức múa rồng ở sân đền Trình, bơi thuyền múa rồng trên dòng suối Yến. 

Hội trải rộng trên 3 tuyến, tuyến Hương Tích, tuyến Tuyết Sơn và tuyến Long Vân. Hội chùa đông nhất từ 15 đến 20 tháng 2 (chính hội). Ðường núi từ chùa Ngoài vào chùa Trong lúc nào cũng tấp nập từng đoàn người lên lên, xuống xuống.Trảy hội chùa Hương không chỉ đi lễ Phật mà còn là có dịp thưởng ngoạn cảnh đẹp của biết bao hình sông thế núi, có cơ hội nhận biết bao công trình lớn nhỏ đặc sắc của di tích Hương Sơn đã trở thành di sản văn hoá của dân tộc. 
 

Thắng cảnh Hương Sơn 

Vị trí: Khu danh thắng Hương Sơn thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây, cách Hà Nội 70km. 
Đặc điểm: Nơi đây phong cảnh hữu tình, có “Nam Thiên đệ nhất động” (động đẹp nhất trời Nam). 

Từ Hà Nội đi xe ôtô qua thị xã Hà Ðông, tới Vân Ðình, đến Bến Ðục thì dừng xe để chuyển sang đi thuyền, xuôi dòng suối Yến chừng 3km là vào đến khu danh thắng Hương Sơn. Danh thắng Hương Sơn bao gồm cả một quần thể: núi non, sông suối, làng mạc, chùa chiền, hang động… nằm quanh dãy núi Hương Tích, phía bắc rặng Trường Sơn, rộng hàng ngàn héc ta. Quần thể danh thắng Hương Sơn hình thành ba tuyến chính: 
* Tuyến Hương Tích: Gồm có Suối Yến, đền Trình, cầu Hội, chùa Thanh Sơn, Hương Ðài, Thiên Trù, Hinh Bồng, chùa Tiên, Giải Oan, đền Cửa Võng, động Hương Tích. 

Suối Yến:
Trong thắng cảnh Hương Sơn, các dòng suối và núi non ở đây đã tạo nên cảnh “sơn thuỷ hữu tình” như mộng, như mơ, đặc biệt là suối Yến. Suối Yến mang một vẻ đẹp hiền hoà, buông thả giữa hai triền núi. Ðường suối dài khoảng 3km với khúc thẳng, khúc quanh, cho ta cảm giác như dòng suối này dài vô tận. Vào mùa lễ hội, dòng suối hiền hoà bỗng sôi động hẳn lên, bởi những con thuyền thoi thong thả chở khách vào vãn cảnh đẹp và lễ phật. Lên thuyền từ Bến Ðục, theo dòng suối Yến, du khách có thể thư thái thả hồn mình hoà quyện cùng thiên nhiên. Phía bên trái là núi Ðụn, trông tựa như một đụn thóc; gần núi Ðụn là núi Soi trông giống như một con kỳ lân nên còn gọi là núi Lân; cạnh núi Soi là núi Ái và núi Phượng đang dang rộng cánh (cánh là hai chỏm núi) mà đầu và mỏ Phượng là chùa và động Thanh Sơn; đi quá lên một chút là núi Ðổi Chèo giống hình một con trăn lớn đang bò trên mặt nước; gần đó là núi Bưng và núi Voi với những truyền thuyết thật thú vị vì Hương Sơn có tới chín chín ngọn núi quay đầu về động Hương Tích, riêng có một ngọn núi có hình dáng con voi quay đầu ra, quay mông vào.

Giận quá, Hộ Pháp lấy gươm phạt vào một mảng mông của tên voi nên bây giờ núi Voi vẫn bị sạt mất một mảng; qua núi Voi, đến núi Mâm Xôi. Phía bên phải, từ ngoài vào là núi Ngũ Nhạc có Ðền Trình. Du khách dừng chân vài phút để ghé vào thắp hương, trình lễ với sơn thần. Ði tiếp là núi Dẹo, núi Phòng Sư, hang Sơn Thuỷ Hữu Tình, hang Trâu, Cầu Hội, Thung Dâu… Và chỗ cuối cùng của dòng suối Yến là rừng Vài và núi Nhà Lang Lão Tác. Từ điểm này du khách xuống thuyền và bắt đầu lựa chọn tuyến du lịch của mình. 
 

Chùa Thiên Trù 

Chùa còn có tên gọi là chùa Trò, trước đây chỉ là một thảo am nhỏ do Hoà thượng Vân Thuỷ Thiền Thiên Trần Ðạo Viên Quang chân sáng lập. Trong kháng chiến chống Pháp chùa đã bị phá huỷ. Sau năm 1954 chùa được xây dựng lại. Năm 1991, Tam bảo Thiên Trù được xây dựng lại to đẹp như ngày nay. Bên phải chùa là vườn tháp, nơi cất giữ xá lị của các vị Tổ sư quy tịch tại đây. Sau chùa, bên sườn núi còn có toà ” Thiên thuỷ tháp”, bên trái có chiếc hồ hình bán nguyệt. Sau khi vào chùa lễ Phật, du khách nghỉ ngơi lấy sức để tiếp tục cuộc hành trình mới. 
 

Chùa Tiên Sơn: 

Từ Thiên Trù (chùa Ngoài) rẽ phải, theo một con đường nhỏ men sườn núi lối đi vào chùa Trong, khoảng hơn 1km là tới chùa Tiên Sơn. Chùa được dựng trên một ngọn núi cao. Chùa nhỏ, xinh, cổng tam quan vút cao như sắp bay lên. Chùa ở trong động gọi là động Núi Tiên, thờ Phật Bà Quan Thế Âm. Trong động có những nhũ đá rủ xuống với nhiều dáng vẻ khác nhau. Có những nhũ đá khi gõ vào thì nổi lên tiếng tiêu thiền nhã nhạc du dương. 
 

Chùa Giải Oan: 

Vẫn trên đường vào chùa Trong, rẽ tay trái là chùa Giải Oan. Chùa do Sư Tổ Thông Dụng huý Thám pháp danh Cương Trực đời thứ 2 khai sáng. Chùa được dựng ở lưng chừng núi Long Tuyền, lúc đầu chỉ là một thảo am nhỏ bằng tre gỗ đơn sơ. Chùa đã qua trùng tu vào các năm 1928, 1937. Năm 1995, chùa được tu bổ thêm am Từ Vân, kè lại sân chùa. Chùa là nơi thờ phụng đức Bồ Tát Quan Thế Âm. Hiện nay am Từ Vân còn lưu giữ được pho tượng Tứ Tý Quan Âm được đúc vào thế kỷ 18. Trong chùa có giếng Thanh Trì trong suốt không bao giờ cạn. Tương truyền đây chính là nơi đức Chúa Ba (Bồ Tát Quan Âm Diệu Thiện) đã dùng để tắm, tẩy sạch bụi trần ai, trước khi đi vào cõi phật. Từ đó giếng này được gọi là giếng Giải Oan, khách đi lễ thường múc nước nước uống để cầu mong giải thoát khỏi mọi nỗi oan ức trên đời. Chùa Giải Oan có kiến trúc hài hoà, nằm giữa cảnh thiên nhiên thanh tao u tịch, càng làm tăng thêm vẻ tôn nghiêm, huyền bí. Du khách đến đây được uống dòng nước mát lạnh của giếng Thanh Trì, như quên đi những ưu tư của đời thường khi hành hương về cõi Phật.

 

Động Hương Tích 

Từ chùa Giải Oan, du khách lại tiếp tục cuộc hành trình khoảng 2,5km lên động vào chùa Hương Tích (còn gọi là chùa Trong). Ðường lên động có nhiều chỗ quanh co, lúc lên dốc, lúc xuống dốc. Càng gần tới động thì dốc càng cao. Lên tới bậc đá cao nhất đứng nhìn xuống, du khách sẽ nhìn thấy một vòm hang rộng, sâu, hun hút trông giống như hàm của một con rồng, đó là động Hương Tích. Qua cổng, đi xuống 120 bậc đá là vào tới lòng động. Ngay ở khoảng giữa, gần cửa ra, vào, có một nhũ đá gọi là “đụn gạo”. Ði sâu vào một chút có một lối lên Trời và một lối xuống âm phủ. Trong động, những măng đá, nhũ đá rủ xuống tạo thành muôn hình vạn dạng, người xưa thoả sức để đặt tên: nong tằm, né kén, chuồng lợn, ao bèo, cây vàng, cây bạc, đầu cô, đầu cậu…
 
Bên cạnh những công trình điêu khắc thiên nhiên còn có những công trình điêu khắc nhân tạo, giá trị nhất là pho tượng Phật Bà Quan Thế Âm bằng đá xanh tạc vào thời Tây Sơn.Hương Tích là một động đẹp nổi tiếng và đã được chúa Trịnh Sâm (thế kỷ 17) tự tay đề năm chữ Hán lên cửa động: “Nam Thiên đệ nhất động” (Ðộng đẹp nhất trời Nam).

Cũ hơn Mới hơn

Bình luận