Có gì khác lạ trong đêm Trung thu ở Hội An trứ danh

17:05 | 11/09/2020

Có gì khác lạ trong đêm Trung thu ở Hội An trứ danh

Khác với các thành phố lớn như Hà Nội hay Sài Gòn, đêm Trung thu ở Hội An thường diễn ra trong 4 ngày (từ ngày 12/8 – 15/8 Âm lịch hàng năm) theo một cách thật truyền thống với rất nhiều hoạt động hấp dẫn, lôi cuốn.

Hội An luôn mang một màu sắc riêng biệt nhưng trong đêm Trung thu, khi phố cổ lên đèn thì lại càng “đậm đà” những cảm xúc không tên khiến người ta chỉ muốn thốt lên: “Phố Hội ơi, cứ mãi như thế có được không!”

ĐÈN LỒNG GIĂNG KÍN LỐI

Đèn lồng giăng kín lốiSlideshow
Ảnh: @Linda Polik

Nếu ngày thường, khu phố cổ trầm mặc này đã được thắp sáng bằng trăm chiếc lồng đèn đủ màu sắc thì vào đêm Trung thu càng có nhiều lồng đèn trang trí hơn thế nữa. Lồng đèn được treo khắp lối từ đường xá đến các quán nhà hàng, từ nhà dân đến các quán café cũng thi nhau trang hoàng làm phố cổ Hội An lung linh hơn bao giờ hết.

Vào đêm Trung thu ở Hội An, phố cổ lên đèn từ rất sớm. Đèn lồng Hội An trong đêm Trung thu cũng đa dạng hơn hẳn với đủ loại hình dáng từ tròn, dài, đến con thoi. Đủ mọi sắc màu từ vải trơn, đến hoa văn tinh tế. Cũng vào dịp này, bạn sẽ được thấy nhiều loại lồng đèn cầu kì, độc đáo như cố tình để dành riêng cho dịp Trung thu. Và tất nhiên là không thể thiếu những chiếc đèn lồng ông sao được làm bằng giấy bóng kiếng màu đỏ.

Không chỉ có lồng đèn mới làm nên không khí đêm rằm phố Hội. Dọc những con đường nhỏ trên phố là những tiểu cảnh được trang trí theo chủ đề Trung thu dễ đưa mọi du khách tham quan quay về tuổi thơ với những hình ảnh thân thương nhất như chú Cuội, cây đa, trăng tròn, mâm cỗ…

NHỮNG TIẾT MỤC MÚA LÂN ĐẶC SẮC

Những tiết mục múa Lân đặc sắcSlideshow
Nếu như Hà Nội vào đúng ngày Trung Thu mọi người đổ ra đường đi xem múa lân, ca nhạc thì đêm Trung thu ở Hội An lại có một nét truyền thống riêng biệt. Không chỉ dừng lại ở những màn múa Lân đó, mỗi một gia đình đều là những nghệ nhân với sự khéo léo, tinh tế của mình mà đều có những sản phẩm đầu Lân với những hình thù phong phú khác nhau vừa để trang trí, vừa để bày bán.

Múa Lân còn được xem là “đặc sản” mùa Trung thu ở Hội An. Đối với người Hội An, họ vẫn giữ phong tục đón lân vào nhà vì xem đó như một điều may mắn. Người dân cũng tin là tiếng trống nhạc múa lân sẽ làm cho cuộc sống càng sung túc hơn. Cứ như thế, đường phố Hội An lại càng nhộn nhịp hơn vào đêm Trung thu, nhà nhà đón Lân, người người đổ xuống đường xem múa lân, còn tụi trẻ con thì nô đùa đi rước đèn, chạy theo, nắm đuôi đùa giỡn với Lân… Những cảnh tượng thời thơ ấu tưởng như bị cuộc sống thành thị làm lãng quên thì tất cả lại diễn ra một cách chân thật nhất ở Hội An và duy nhất ở Hội An mới có.

CÁC TRÒ CHƠI DÂN GIAN LÔI CUỐN, HẤP DẪN

Các trò chơi dân gian lôi cuốn, hấp dẫnSlideshow
Đâu chỉ dừng lại ở những tiếng trống thùng thình, tiếng hò reo cười đùa rước Lân vang cả một khoảng trời, đêm Trung thu ở Hội An còn nhộn nhịp hơn bội phần với các trò chơi dân gian. Ngay góc ngã ba gần chùa Cầu là một khoảng sân rộng thường diễn ra các hoạt động giao lưu. Tại đây, du khách đi xem hội trăng tròn sẽ được trải nghiệm các trò chơi từ thuở ấu thơ như bịt mắt đập nồi, bài Chòi… Đặc biệt là dịp Trung thu còn có các cuộc thi độc đáo, hấp dẫn như hát Tuồng, hò Quảng, làm lồng đèn hay vật thủ công.

BÌNH DỊ GIÂY PHÚT THẢ ĐỀN HOA ĐĂNG

Bình dị giây phút thả đền hoa đăngSlideshow
Rộn ràng là thế, nhưng trong đêm Trung thu ở Hội An cũng có những phút giây rất yên bình và lãng mạn, đó là khoảnh khắc thả đèn hoa đăng. Vào đêm Trung thu ở Hội An, mọi người thường hay tụ tập bên bờ sông Thu Bồn để thả đèn hoa đăng, lúc này cả một khúc sông trở nên lung linh, huyền ảo trong sự phản ánh đèn. Và đâu đó là hình ảnh những cụ già dáng lưng khom, tay khệ nệ bê mâm đèn hoa chào mời, góp thêm chút niềm vui cho những vị khách xa. Đó là hình ảnh bố cõng con gái đi chơi Trung thu trên môi là nụ cười rực rỡ. Khoảnh khắc ấy mang lại cho người đi chơi hội một cảm giác nhẹ nhàng, yên bình đến lạ.
Theo Trần Thị Cẩm Nhi (Wiki Travel)

Cũ hơn Mới hơn

Bình luận